TTTĐ – Thi môn thứ ba là cần thiết nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh. Vấn đề ở đây không phải là thi môn thứ ba nào mà là thời gian công bố.
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, ngoài hai môn thi bắt buộc vẫn là Toán và Ngữ văn, còn môn thi (tổ hợp môn) thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định trong các môn được đánh giá bằng điểm số và công bố vào cuối tháng 3. Môn thứ ba phải được thay đổi hàng năm. Phương án này vẫn đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
Là giáo viên phổ thông, người viết xin chia sẻ một số ý kiến góp ý.
Hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn được đồng thuận cao
Môn Toán hình thành và phát triển các năng lực tư duy và lập luận toán học; mô hình hoá toán học; giải quyết vấn đề toán học; giao tiếp toán học; sử dụng công cụ, phương tiện học toán cho học sinh. Môn Toán phát triển khả năng giải quyết vấn đề có tính tích hợp liên môn giữa môn Toán và các môn học khác như Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Tin học, Công nghệ,…
Môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học; là môn học mang tính công cụ, làm cơ sở để học các môn học khác và các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Nội dung môn Ngữ văn mang tính tổng hợp, gồm tri thức liên quan tới nhiều môn học như Lịch sử, Địa lí, Nghệ thuật, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Ngoại ngữ, Tự nhiên và Xã hội và các hoạt động giáo dục khác.
Việc bắt buộc thi hai môn Toán và Ngữ văn là có cơ sở khoa học, bởi môn Toán là nền tảng cho khối Khoa học tự nhiên, đảm bảo tư duy logic, còn môn Ngữ văn là nền tảng cho khối ngành xã hội, tư duy ngôn ngữ. Hai môn này là “xương sống” của chương trình, nền tảng để định hướng nghề nghiệp sau này.
Dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học phổ thông bắt buộc thi hai môn Toán và Ngữ văn là đang thực hiện đúng với mục tiêu giáo dục “đảm bảo cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng”, đồng thời giảm áp lực thi cử cho học sinh, tinh gọn nhẹ, tiết kiệm, hiệu quả nên được sự đồng thuận cao của xã hội.
Môn thi thứ ba có nhiều ý kiến trái chiều nhau
Tại Điều 12, dự thảo Thông tư này, Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông được điều chỉnh như sau:
“Số môn thi: 03 (ba) môn gồm Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học lựa chọn 01(một) trong 02 (hai) phương án sau và được công bố trước ngày 31 tháng 3 hằng năm:
– Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản;
– Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.”
Trong chương trình Giáo dục phổ thông, không có quan niệm môn chính, môn phụ; tất cả các môn đều có giá trị như nhau bởi mỗi môn đều kiến tạo năng lực cơ bản cho người học. Nếu chỉ thi hai môn Toán và Ngữ văn, học sinh sẽ dồn hết sức lực học hai môn này, lơ là những môn học khác. Vì thế, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần phải thi môn thứ ba, được thay đổi hàng năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản, chống được tình trạng học “tủ”, học vẹt, học lệch.
Thực tế nhiều năm qua, thi tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều địa phương được ấn định gồm ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cũng gây ra nhiều băn khoăn. Học sinh có thể dồn lực học 3 môn kia, lơ là các môn còn lại dễ khiến kiến thức cơ bản các môn không thi bị mất nền tảng. Nhiều thầy cô dạy các môn không thi thường có tâm lý “thoải mái, nhẹ nhàng”, làm “đẹp” học bạ cho học sinh để các em có “hồ sơ xịn”. Thực tế, người viết gặp nhiều trường, học sinh có điểm trung bình môn cấp trung học cơ sở đạt trên 9,0 nhưng lên trung học phổ thông chỉ học ở mức trung bình – khá.
Quan điểm của người viết, dưới góc nhìn của một giáo viên trung học phổ thông, thi môn thứ ba là cần thiết nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh. Vấn đề ở đây không phải là thi môn thứ ba nào mà là thời gian công bố. Nhớ mấy chục năm về trước, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cả thầy và trò cứ nhao nhao lên mong ngóng Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố môn thi, bởi mỗi em có năng khiếu riêng, thành ra khó tập trung học tập.
Theo Chương trình mới, các môn (tổ hợp môn) đều được học từ đầu cấp. Giả sử, môn thứ ba được công bố đầu năm học thì các em cũng đã được học trong ba năm, kiến thức nền nếu được dạy và học tốt, thi, kiểm tra đánh giá thật thì cũng đã đảm bảo . Các em có lơ là một chút cũng không đến nỗi ảnh hưởng đến kiến thức cơ bản. Nhưng cái được lớn nhất là phụ huynh, học sinh an tâm hơn nhiều, đầu tư học tập có định hướng. Điều này hoàn toàn khác với cố định ba môn thi như đã phân tích ở trên.
Với môn thi thứ ba, có nhiều ý kiến trái chiều. Đa số cho rằng môn Tiếng Anh là lựa chọn tối ưu để thực hiện mục tiêu đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Cũng có ý kiến cho rằng, cần bình đẳng các môn học trong hệ thống giáo dục, chọn môn thi thứ ba nào không quan trọng bởi mỗi môn đều rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và bồi dưỡng phẩm chất cần thiết cho học sinh.
Mong rằng bộ phận soạn thảo tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến, phân tích các phương án và sớm chốt phương án nhiều ưu điểm nhất, phù hợp với quan điểm ít tốn kém, tạo tâm lý nhẹ nhàng cho cả người dạy lẫn người học nhưng hiệu quả.
Cần chuẩn bị tâm thế ngay từ bây giờ
Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư, chưa biết Bộ chốt phương án nào thì học sinh, phụ huynh, nhà trường cũng phải trong tư thế sẵn sàng đón nhận. Nhận thức được điều đó giúp mọi người có thái độ phù hợp. Thay vì lo lắng, hoang mang thì hãy bình tĩnh chuẩn bị ngay từ bây giờ cho mọi tình huống xảy ra.
Đối với học sinh, hãy chủ động lên kế hoạch học tập và ôn luyện ngay từ bây giờ, cần tập trung trước tiên vào hai môn Toán và Ngữ văn, học tới đâu luyện tập tới đó. Hệ thống kiến thức cơ bản của từng chủ điểm, từng thể loại bằng sơ đồ tư duy; từ đó tạo ra hành trang vững vàng để bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới. Điều nên quan tâm bây giờ không phải là chọn phương án nào, mà là biết nên làm gì với hiện tại.
Cha mẹ học sinh hãy đồng hành với các con của mình, tạo cho các em có tinh thần sẵn sàng, thoải mái, tâm lý bình tĩnh đối mặt với mọi “kịch bản” xảy ra.
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, cần công bố sớm cấu trúc đề thi kèm theo đề thi minh họa để giáo viên hướng dẫn học sinh kịp thời, học sinh có định hướng ôn tập hiệu quả, không bị dồn ép kiến thức trong giai đoạn nước rút.